VIỆN Y HỌC PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN

AIR DEFENCE AIR FORCE MEDICal institute
Hotline 0989 542 178
Bài viết chuyên môn XỬ TRÍ CHẢY MÁU SAU CẮT AMIĐAN

XỬ TRÍ CHẢY MÁU SAU CẮT AMIĐAN

  1. Một số cơ sở giải phẫu học của Amiđan.
  2. Hố Amiđan.

Amiđan nằm gọn trong hố của màn hầu gọi tên là hố Amiđan. Hố Amiđan có 3 mặt được tạo thành bởi 3 cơ: cơ của trụ trước (cơ lưỡi-màn hầu), cơ trụ sau (cơ họng-màn hầu) và phần ngoài cùng là cơ khít họng. Phẫu thuậ cắt Amiđan không được gây tổn thương cho 3 cơ này.

  1. Khoang quanh Amiđan.

Giữa khối Amiđan và hố Amiđan là một khoang tổ chức liên kết rất lỏng lẻo và dễ dàng bóc tách được gọi tên là khoang quanh Amiđan. Khoang tổ chức liên kết dễ dàng bóc tách này có thể ví như khoang tổ chức nằm giữa múi cam với vỏ cam. Thủ thuật cắt Amiđan sẽ lợi dụng khoang này(còn gọi là vỏ Amiđan) để bóc tách làm rời khối Amiđan ra khỏi thành họng.

  1. Chân cuống Amiđan và động mạch Amiđan

Amiđan có một chân cuống gần phía cực dưới với mạch máu chính của nó là động mạch Amiđan (nhánh của động mạch khẩu cái lên). Trong thủ thuật này phải chú ý đến chân cuống và cầm máu cuống động mạch Amiđan là một thì quan trọng của phẫu thuật. Thông thường nếu tiêm tê tốt chân cuống này rồi cắt gọn bằng thòng lọng thì ít chảy máu.

  1. Các khoang họng kế cận Amiđan và các mối liên hệ mạch máu, thần kinh vùng cổ

Cần nhớ rằng cơ khít họng ở vòng ngoài của hố Amiđan là giới hạn của phẫu thuật, nếu vượt qua đó sẽ gặp những mối nguy hiểm lớn: do tổn thương vào các động mạch và tĩnh mạch lớn, vào các dây thần kinh cổ, vào các khoang liên kết đi ra quanh cổ…

  1. Những nguyên nhân của chảy máu.
  2. Do sai lầm về chỉ định

Cắt Amiđan khi viêm mũi họng còn đang diễn biến, bệnh nhân có bệnh máu (bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu …), phụ nữ đang có kinh nguyệt….

  1. Do sai lầm về kỹ thuật:

- Cắt còn sót.

- Làm đứt rách các cơ trụ trước, cơ trụ sau, khi cơ bị đứt mà không được khâu lại, thường chảy máu dai dẳng tuy không chảy mạnh.

- Tai hại nguy hiểm là chọc thủng thành bên họng gồm cân và cơ khít họng  làm tổn thương các động mạch phía trong thành họng (động mạch họng bên, động mạch khẩu cái đi lên, động mạch mặt…).

- Ở cực dưới, nguy hiểm là do động mạch cảnh ngoài và đặc biệt từ các nhánh của nó: động mạch mặt uốn vòng cung cách cực dưới độ 10 mm và sinh ra động mạch Amiđan.

- Ở cực trên còn một điểm hay chảy máu, đó là chân của lưỡi gà: trong khi tách trụ trước, nếu làm rách quá nhiều trụ sát đường trung vị, sẽ có thể gây thương tổn động mạch khẩu cái đi xuống (nhánh của động mạch hàm trong).

Để tránh những sai sót trên, cần phải đi đúng vào khoang bóc tách, bộc lộ thật kỹ cuống.

III. Xử trí chảy máu tại chỗ.

Nên đi từ những phương pháp đơn giản rồi mới dùng tới phương pháp phức tạp.

  1. Phương pháp đơn giản:

Có tác dụng với những rỉ máu do mao mạch (trong chảy máu hậu phẫu).

- Nước đá cục: cho bệnh nhân ngậm từng cục nhỏ, nuốt hoặc nhổ đi, đồng thời cho vào túi ni lông chườm vùng cạnh cổ.

- Dùng bông cầu tẩm một dung dịch có tác dụng cầm máu: nước oxy già, acid cromic 10%, antipyrin 20%) rồi ấn chặt vào hố Amiđan đúng điểm chảy máu trong 5-10 phút.

  1. Phương pháp phức tạp có sử dụng dụng cụ:

- Cặp đơn thuần: dùng kẹp Kocher không mấu dài 17 cm kẹp đúng nơi chảy rỉ máu, giữ nguyên trong một giờ rồi bỏ ra. Nếu vẫn chảy thì phải buộc chỉ.

- Buộc chỉ mạch máu: phương pháp này được áp dụng một cách đặc hiệu cho chảy máu do động mạch hoặc tĩnh mạch, chảy máu ở cực trên hay ở cuống Amiđan, trong khi phẫu thuật hay hậu phẫu. Phải có phụ mổ giúp: dùng kẹp Kocher không mấu kẹp mạch máu lại. Lấy chỉ trắng làm thành một nút thòng lọng, đưa thòng lọng đi qua kẹp Kocher, tới tận đầu kẹp chỗ cầm máu. Một tay cố định đầu chỉ bằng một kẹp Kocher thứ hai, một tay kia bắt đầu thắt nút thòng lọng trong khi phụ mổ nâng đầu kẹp mạch máu lên để hứng lấy nút chỉ. Phẫu thuật viên thắt chặt bằng 2 nút chỉ và ngay sau đó phụ mổ tháo bỏ kẹp ra. Tiếp đó, dùng kéo cắt ngắn chỉ buộc lại. Sau 7 ngày mối chỉ sẽ tự rụng ra.

- Đặt kẹp nén Boisviel: có tác dụng đối với những chảy máu ở cuống Amiđan và ở chỗ sâu rãnh lưỡi amdan (khó buộc chỉ).

Trước tiên lấy một quả bông cầu có bọc gạc to bằng đầu ngón tay cái đặt vào trong ổ của quả nén (quả bông không đặt quá chặt nhưng phải to để che phủ quả nén). Đặt quả nén có bông cầu vào trong hố amyđan, hướng đúng vào điểm chảy, đồng thời đặt cái gọng ngoài có hình cái vòng tì vào góc hàm, nơi này có đệm một miếng bông gạc. Sau đó vặn vít điều khiển hai gọng khép lại làm cho quả nén trong hố Amiđan đè chặt vào chỗ chảy máu. Chỉ xiết vừa đủ để cầm máu, không xiết quá mạnh sẽ gây chấn thương (sưng, nề, đỏ, đau) cho vùng góc hàm.

Sau 2 tiếng nới lỏng bớt ra. Sau 4-6 tiếng tháo kẹp nén, gỡ nó ra khỏi cục bông cầu, bỏ kẹp đè, nhưng vẫn giữ nguyên cục bông cầu để tại chỗ thêm 18 giờ nữa (vì vậy chú ý không được nhét quá chặt quả bông cầu vào quả nén).

- Làm đông điện: (électro-coagulation) dùng kẹp Kocher kẹp đúng chỗ chảy máu. Đặt cực điện bất hoạt vào một bên tay bệnh nhân, rồi di cực điện hoạt tính của máy đông điện vào kẹp Kocher: tổ chức ở đầu kẹp tức khắc sẽ bị cháy xám đen và mạch máu bị đông lại. Chú ý: ngoài điểm chảy máu, không được để kẹp Kocher chạm vào miệng bệnh nhân bất cứ điểm nào, nếu không sẽ gây bỏng.

- Khâu chập hai trụ lại theo phương pháp của Tarneaud , khâu 2 hoặc 3 mũi chỉ (cagut hoặc chỉ trắng) xuyên từ trụ sau ra trụ trước rồi buộc chập hai trụ lại, giữa hai trụ có nhét một đoạn bấc có bề ngang 1 cm (hoặc một mảnh xốp tự tiêu gelaspon gelfoam có tẩm kháng sinh). Các mũi khâu ở cách bờ tự do của trụ khoảng 5 mm. Nếu đặt bấc thường và khâu bằng chỉ thường thì 24 giờ sau rút bỏ bấc và 3 ngày sau cắt bỏ chỉ. Nếu dùng chỉ catgut và xốp tự tiêu thì không phải can thiệp gì thêm.

- Thắt động mạch cảnh ngoài hoặc nút mạch: phẫu thuật này chỉ nên được áp dụng khi các cách cầm máu nói trên đều đã thất bại.

  1. Xử trí toàn thân.

- Tiêm thuốc tác dụng tăng cường đông máu cho toàn thân: Transamin, vitamin K, sistonal, thrombase, thromboplastin, adrenoxyl… K-thrombyl, fibrinogen, hemocaprol, acid aminocaproic.

- Tiêm thuốc trợ tim.

- Truyền dịch mặn, ngọt.

- Truyền máu tươi nếu thấy cần thiết.

Khoa Tai Mũi Họng, viện Y học Phòng không – Không quân hiện nay đang sử dụng kỹ thuật cắt Amidan bằng Laser có ưu điểm hơn cắt bằng dao điện như dễ bóc tách amidan ra khỏi bao, độ bỏng thấp, thời gian phẫu thuật ngắn cũng là một yếu tố giảm độ bỏng tại chỗ, tỷ lệ chảy máu trong khi mổ và sau mổ thấp, sau mổ bệnh nhân sẽ ít đau, ít xảy ra các biến chứng và có thời gian hồi phục nhanh chóng.

Chia sẻ :

Bài viết liên quan