VIỆN Y HỌC PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN

AIR DEFENCE AIR FORCE MEDICal institute
Hotline 0989 542 178
Bài viết chuyên môn VIÊM TAI GIỮA Ứ DỊCH

VIÊM TAI GIỮA Ứ DỊCH

Viêm tai giữa ứ dịch (VTGƯD) là tình trạng ứ dịch trong hòm nhĩ phía sau màng nhĩ nguyên vẹn nhưng không có các triệu chứng cấp tính. Bệnh liên quan đến rối loạn chức năng vòi nhĩ, nguyên nhân là do nhiễm trùng đường hô hấp trên, phì đại V.A, ung thư vòm mũi họng, hở hàm ếch, chấn thương  khí áp, dị ứng... Dịch trong hòm nhĩ được tiết ra do quá trình viêm của niêm mạc tai giữa, có thể là thanh dịch, dịch nhầy keo hoặc nhầy mủ.

VTGƯD là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ em và là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thính lực. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở 2 tuổi, giảm sau 5 tuổi. Bệnh VTGƯD phổ biến hơn trong những tháng mùa đông, tương ứng với tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. 

1.Bệnh nguyên 

     Bệnh nguyên của VTGƯD có thể chia thành 2 nhóm: cơ học và chức năng.

  • Nhóm nguyên nhân cơ học:

+ Khối từ ngoài chèn ép loa vòi: V.A, Amidan quá phát, polype mũi phát triển ra vùng vòm mũi họng, các khối u vùng vòm mũi họng …

+ Nguyên nhân tại vòi nhĩ: viêm nhiễm đường hô hấp trên (viêm mũi xoang, viêm VA mạn tính, hội chứng trào ngược…) hoặc chấn thương áp lực dẫn đến tình trạng phù nề, xung huyết, giảm hoạt động lông chuyển, dị sản niêm mạc vòi nhĩ hình thành tổ chức hạt.

          + Chấn thương gây sẹo xơ dính vòi nhĩ: thường gặp sau phẫu thuật nạo V.A có làm tổn thương lỗ vòi nhĩ, phẫu thuật chỉnh hình màn hầu lưỡi gà…

  • Nhóm nguyên nhân chức năng:

          + Dị tật bẩm sinh: hở hàm ếch, hội chứng Down…ảnh hưởng đến sự co cơ căng màn hầu từ đó ảnh hưởng đến sự đóng mở loa vòi.

+ Mềm sụn loa vòi: thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

+ Giảm hoạt động hệ thống lông chuyển: do xạ trị, do nhiễm virus, độc tố vi khuẩn, hoặc bất thường cấu trúc lông chuyển di truyền…

  • Các yếu tố thuận lợi: dị ứng, các bệnh lý miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải

2.Lâm sàng

2.1. Triệu chứng toàn thân: thường nghèo nàn

2.2. Triệu chứng cơ năng:

  • Nghe kém: là triệu chứng phổ biến nhất, tiến triển từ từ, tăng dần. Trẻ lớn có thể tự phát hiện ra nghe kém và phàn nàn với bố mẹ. Trẻ nhỏ chưa thể tự phát hiện và diễn đạt triệu chứng của mình nên nghe kém được biểu hiện gián tiếp thông qua các triệu chứng: không tập trung, không chú ý, nghễnh ngãng, kết quả học tập giảm sút.
  • Cảm giác đầy tai, nước vào tai.
  • Ù tai tiếng trầm: liên tục hay từng lúc.
  • Tiếng tự vang trong tai.
  • Chóng mặt là triệu chứng hiếm gặp.
  • Biểu hiện của bệnh lý vùng mũi họng có thể gây rối loạn chức năng vòi: chảy mũi, ngạt mũi…
  • Có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì, VTGƯD được phát hiện tình cờ qua thăm khám định kỳ.

2.3. Triệu chứng thực thể:

  • Màng nhĩ: không có lỗ thủng, dày đục mất nón sáng. Màng nhĩ mỏng có thể thấy hình ảnh dịch trong hòm nhĩ (mức nước hơi hoặc bóng khí).

+ Màng nhĩ màu vàng hoặc màu xanh.

+ Màng nhĩ lõm, hoặc hơi phồng.

+ Màng nhĩ kém di động

  • Nghiệm pháp Valsalva: thường âm tính.

Khám mũi họng phát hiện các bệnh lý kèm theo có thể gây tắc vòi như: viêm V.A, viêm mũi xoang, khối u vùng vòm mũi họng, khe hở vòm miệng…

Hình 2.1. Màng nhĩ  trong viêm tai giữa ứ dịch

1.    Cận lâm sàng

3.1.  Nhĩ lượng:

  • Nhĩ đồ đặc trưng khi có dịch trong hòm tai là nhĩ đồ dạng dẹt tương ứng với nhĩ đồ Type B, với độ nhạy lên tới 90%.
  • Trong nhiều trường hợp dịch trong hòm tai lại có hình dạng nhĩ đồ khác như đỉnh dạng vòm hoặc dạng thẳng chếch trái.
  • Hình thái của nhĩ đồ luôn biến đổi tùy thuộc giai đoạn bệnh, tổn thương trong hòm tai và sự can thiệp của thầy thuốc.

3.2. Thính lực:

Nghe kém thể dẫn truyền mức độ nhẹ, mất sức nghe từ 25-30dB.

Hình 3.4. Giảm thính lực dẫn truyền tai trái và tai phải mức độ nhẹ

1.    Chẩn đoán:

- Tiền sử nhiều đợt viêm tai giữa cấp, tái phát hoặc có nghe kém.

- Thăm khám màng nhĩ bằng nội soi tai có bơm hơi: thấy hình ảnh màng nhĩ dày đục, mất nón sáng, kém di động, bên trong hòm nhĩ có dịch.

- Nhĩ lượng đồ: dạng dẹt, dạng vòm hoặc dạng thẳng chếch trái.

- Thính lực đồ: nghe kém thể dẫn truyền mức độ nhẹ, mất sức nghe từ 25-30dB.

- Phản xạ cơ bàn đạp âm tính.

2.    Điều trị

5.1. Theo dõi: phần lớn các trường hợp VTGƯD, dịch trong tai giữa sẽ tự hết trong vòng 4-6 tuần. Vì vậy chỉ cần theo dõi bệnh trong thời gian này.

5.2. Điều trị thuốc

 - Chủ yếu điều trị viêm mũi họng, viêm tắc vòi nhĩ. Thời gian điều trị nội khoa một đợt từ 10- 14 ngày.

 -Thuốc kháng sinh, corticoid, kháng histamine, loãng đờm, thuốc xịt mũi tại chỗ (co mạch, corticoid).

5.3. Bơm thông vòi nhĩ:

          - Phương pháp này giúp bệnh nhân cải thiện thính lực ngay nhưng chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn, thường áp dụng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

          - Thực hiện bơm thông vòi nhĩ ngay khi nghi ngờ bị tắc vòi nhĩ: có dấu hiệu ù tai, cảm giác tức, đau trong tai, nghe kém.

5.4. Điều trị phẫu thuật:

 Bệnh nhân bị VTGƯD kéo dài, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.

- Nạo V.A:

+ Đây là phương pháp điều trị ngoại khoa của VTGƯD.

+ Nạo V.A giúp loại trừ nguyên nhân gây tắc vòi nhĩ cơ học và nguồn cung cấp vi khuẩn. Nạo V.A ngay từ khi có bằng chứng rõ ràng V.A gây tắc nghẽn, viêm V.A mạn tính, hay viêm xoang mạn tính.

  • Chích rạch màng nhĩ: mục đích của chích rạch màng nhĩ điều trị VTGƯD là dẫn lưu dịch trong tai giữa, cải thiện thính lực.
  • Đặt ống thông khí màng nhĩ: đặt ống thông khí màng nhĩ là phẫu thuật được lựa chọn ưu tiên trong các trường hợp VTGƯD cần can thiệp.

Người viết: BS Trịnh Văn Quyết

Chia sẻ :

Bài viết liên quan

Trang web đang gắp sự cố - VIỆN Y HỌC PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN

Quay về trang chủ

Trang web đang gắp sự cố, vui lòng liên hệ với quản trị viên nếu điều này vẫn còn tiếp tục.