VIỆN Y HỌC PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN

AIR DEFENCE AIR FORCE MEDICal institute
Hotline 0989 542 178
Bài viết chuyên môn HO CÓ PHẢI LÀ BỆNH LÝ?

HO CÓ PHẢI LÀ BỆNH LÝ?

  1. Định nghĩa và nguyên nhân

Ho là phản xạ tự nhiên hoặc có chủ đích nhằm làm sạch đường thở và để tống dị vật, chất bẩn ra ngoài.

Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khiến bệnh nhân phải đi khám bệnh.

Ho là một phản xạ tự nhiên nhằm làm sạch đường thở

Nguyên nhân gây ho khác nhau tùy thuộc vào triệu chứng là cấp tính hay mạn tính.

+ Nguyên nhân gây ho cấp tính thường gặp nhất bao gồm:

- Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp.

- Viêm phổi cấp, viêm phế quản cấp.

+ Nguyên nhân gây ho mạn tính thường gặp nhất bao gồm:

  • Viêm phế quản mạn tính
  • Viêm mũi xoang mạn tính.

Dịch mũi chảy ra thành sau họng kích thích gây ho

- Trào ngược dạ dày thực quản

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD.

Nguyên nhân gây ho ở trẻ em tương tự như ở người lớn, tuy nhiên căn nguyên ho do hen và ho do dị vật đường thở có thể thường gặp hơn.

Lấy ráy tai hoặc dị vật ống tai ngoài cũng có thể gây ra phản xạ ho thông qua sự kích thích nhánh nhĩ của dây thần kinh phế vị.

Ho do căn nguyên tâm lý có thể có, nhưng hiếm và chỉ được nghĩ đến khi đã loại trừ hết các căn nguyên gây ho khác.

Bệnh nhân ho mạn tính có thể tiến triển thành ho theo phản xạ hoặc có liên quan đến các yếu tố tâm lý. Ngoài ra, ho kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạc phế quản, có thể kích thích gây ho nhiều hơn.

  1. Chẩn đoán
  2. Hỏi bệnh

Khai thác kỹ thời gian xuất hiện và đặc điểm của triệu chứng ho (ví dụ: Ho khan hay ho có đờm, ho ra máu, có kèm theo khó thở, đau ngực hay không?).

Hỏi kỹ về các yếu tố kích thích (ví dụ như không khí lạnh, mùi lạ…) và thời điểm ho (ví dụ như khởi phát vào ban đêm hay sáng sớm), có thể gợi ý nguyên nhân.

Cần hỏi các triệu chứng giúp định hướng nguyên nhân, bao gồm chảy nước mũi và đau họng (do nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm mũi xoang mạn tính…), sốt, rét run, đau ngực, khó thở, thở rít hoặc gắng sức để thở..

Lưu ý hỏi về tiền sử của bệnh nhân xem có mắc các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp trong thời gian từ 1 đến 2 tháng gần đây không? Hỏi về tiền sử dị ứng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Hỏi về các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thuốc lào và các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch như lao, HIV.

Hỏi bệnh nhân xem có đang sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây ho như thuốc ức chế men chuyển hay không?

Bệnh nhân ho mạn tính (ho khan kéo dài từ 6-8 tuần) cần hỏi kỹ về việc tiếp xúc phơi nhiễm với các chất kích ứng đường hô hấp hoặc các dị nguyên như lông chó, lông mèo…

  1. Khám thực thể

Các dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp, SpO2 cần được xem xét kỹ khi bệnh nhân có triệu chứng thở nhanh và sốt.

Khám toàn thân nên tìm kiếm dấu hiệu suy hô hấp và bệnh mạn tính như: suy mòn suy kiệt, rối loạn lo âu.

Khám Tai Mũi Họng cần xem niêm mạc mũi có phù nề, xung huyết không và có chảy dịch mũi không (chảy ra cửa mũi trước hay chảy ra thành sau họng). Khi khám tai cần tìm dị vật, khối u hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng. Khám họng xem niêm mạc họng có bị viêm, xung huyết không? Kiểm tra hạch vùng cổ xem có viêm, sưng đau không?

Nghe phổi, so sánh hai bên phổi, có hay không có ral bệnh lý, hội chứng đông đặc, hội chứng 3 giảm…

  1. Cận lâm sàng

- Đo SpO2, chụp Xquang tim phổi nên được chỉ định khi bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo như: khó thở, thở nhanh, ho ra máu hoặc có nguy cơ cao nghi viêm phổi. Chụp Xquang lồng ngực nên được chỉ định trên bệnh nhân ho mạn tính, điều trị không hiệu quả.

- Chụp CT scanner ở những bệnh nhân nghi ngờ ung thư phổi, bệnh nhân điều trị không hiệu quả và những bệnh nhân chưa xác định được nguyên nhân gây ho.

III. Điều trị

- Xử trí nguyên nhân gây ho là điều trị chủ yếu.

- Không nên lạm dụng thuốc giảm ho vì ho là một cơ chế quan trọng để làm sạch các chất bài tiết từ đường thở và có thể hỗ trợ phục hồi sau khi bị nhiễm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Chỉ dùng thuốc giảm ho với các bệnh nhân đã điều trị nguyên nhân gây ho nhưng vẫn ho nhiều, các trường hợp ho nhiều gây tổn thương niêm mạc phế quản.

- Thuốc giảm ho có hai loại: Thuốc giảm ho gây ức chế trung tâm ho ở hành não (Dextromethorphan hoặc Codeine) và thuốc giảm ho gây tê các thụ thể bề mặt các sợi thần kinh trong phế quản và phế nang (benzonatat).

+ Dextromethorphan: là dẫn xuất chất opioid levorphanol, có dạng viên nén, viên nhai hoặc siro.

            * Trẻ em từ 2- 6 tuổi: Uống từ 2,5-5mg, 4 giờ/lần, tối đa 30mg/24 giờ.

            * Trẻ em từ 6-12 tuổi: Uống 5-10mg, 4 giờ/ lần, tối đa 60 mg/ 24 giờ.

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống từ 15 đến 20mg/ lần, 4 giờ/ lần, tối đa không quá 120ng/24 giờ.

Dextromethorphan làm một trong những thuốc giảm ho thường xuyên được sử dụng

 + Codeine có tác dụng giảm ho, giảm đau và an thần nhưng có nguy cơ phụ thuộc thuốc nếu dùng liều điều trị kéo dài, có một số tác dụng phụ hay gặp như buồn nôn, nôn, táo bón và nhờn thuốc.

          * Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 10-20mg/lần uống mỗi 4-6 giờ khi ho nhiều, không vượt quá 120mg/ ngày.

          * Chống chỉ định dùng Codeine cho trẻ em dưới 12 tuổi.

+ Benzonatat, tiền chất của tetracaine, dạng viên nang.

* Trẻ em < 10 tuổi: 8mg/kg/ ngày, chia làm 3-6 lần.

* Người lớn và trẻ em > 10 tuổi: Uống 100-200mg/ lần và 3 lần/ ngày.

- Thuốc long đờm: Guaifenesin, Bromhexine, N-acetylcystein. Đảm bảo cơ thể người bệnh đủ nước và làm ẩm khí thở sẽ giúp bệnh nhân ho khạc đờm dễ dàng hơn.

- Thuốc giãn phế quản: salbutamol, ipratrompium hoặc corticosteroid dạng xịt có thể có hiệu quả cho bệnh nhân ho sau nhiễm trùng đường hô hấp trên và các bệnh nhân bị ho mạn tính. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng thuốc.

- Các thuốc tại chỗ thuộc nhóm thuốc Tai Mũi Họng, khí dung nên được xem xét điều trị nguyên nhân một cách hiệu quả.

Rất nhiều trường hợp bệnh nhân lo lắng nhiều vì ho khan, kéo dài nhiều ngày đã khám tại nhiều nơi nhưng chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh. Đến với Khoa Tai Mũi Họng Viện Y học PKKQ dưới sự quan tâm tận tình và trình độ cao của các bác sỹ chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại đã khám, tìm ra nguyên nhân gây ho và điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh.

Người viết: Đặng Minh Thông

Chia sẻ :

Bài viết liên quan

Trang web đang gắp sự cố - VIỆN Y HỌC PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN

Quay về trang chủ

Trang web đang gắp sự cố, vui lòng liên hệ với quản trị viên nếu điều này vẫn còn tiếp tục.