VIỆN Y HỌC PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN

AIR DEFENCE AIR FORCE MEDICal institute
Hotline 0989 542 178
Bài viết chuyên môn CÁC BỆNH MŨI XOANG THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

CÁC BỆNH MŨI XOANG THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

  1. Viêm mũi xoang cấp tính

Viêm mũi xoang cấp tính là tình trạng xung huyết, xuất tiết của niêm mạc mũi xoang lần đầu mà trước đó niêm mạc mũi xoang hoàn toàn bình thường.

Có thể viêm một xoang đơn độc, nhưng thường gặp là viêm nhiều xoang vì các xoang đều thông với nhau qua hốc mũi.

Sẽ hồi phục hoàn toàn khi được điều trị kịp thời và có hệ thống.

Nguyên nhân:

+ Nhiễm khuẩn từ mũi hay do viêm họng cấp tính, hoặc sau các bệnh lây qua đường hô hấp, nhiễm khuẩn do răng.

+ Các kích thích lý, hóa các hơi khí hóa chất độc, độ ẩm cao.

+ Chấn thương làm thương tổn niêm mạc và thành xoang

+ Các yếu tố tại chỗ như dị hình vách ngăn, nhét mèche mũi lâu ngày làm ứ dịch trong xoang

Triệu chứng:

+ Mệt mỏi, sốt nhẹ.

+ Đau vùng mặt là dấu hiệu chính thường đau về sang do đêm bị ứ đọng dịch xuất tiết, đau nhức nhất là vùng quanh mắt

+ Ngạt tắc mũi: Mức độ ngạt tùy theo diễn biến của bệnh, ngạt một bên hoặc 2 bên, ngạt nhiều bên đau, có thể mất ngửi.

+ Chảy mũi nhiều dịch nhầy vàng hoặc nhầy xanh, khịt khạc nhiều dịch nhầy

+ Khám thấy cuốn mũi xung huyết che lấp đường thở, sàn mũi và nghách mũi có nhiều mủ đọng. Chụp phim xoang thấy mờ toàn bộ nhóm xoang trước.

Phòng bệnh:

+ Giải quyết các yếu tố tại chỗ như dị hình vách ngăn khi có chỉ định, rút mèche mũi sớm trong các trường hợp có đặt mèche.

+ Tránh các yếu tố môi trường độc hại.

  1. Viêm mũi xoang mạn tính

Viêm mũi xoang mạn tính là do sự biến đổi không hồi phục của niêm mạc xoang, gây nên loạn sản, dạng poyp, tiết dịch, tiết nhầy hoặc bội nhiễm viêm mủ.

Nguyên nhân:

+ Do viêm mũi xoang cấp điều trị không đúng, tái phát nhiều lần

+ Vẹo vách ngăn ở cao, phì đại cuốn giữa gây nên tình trạng dẫn lưu kém, kéo dài không thoát mủ ra khỏi xoang được (vì lỗ thông mũi xoang bị tắc)

+ Cơ địa dị ứng điều trị bệnh thuyên giảm nhưng ít khi khỏi hẳn.

Triệu chứng

+ Nặng đầu, nhức quanh hố mắt, vùng đỉnh chẩm

+ Ngạt tắc mũi thường xuyên

+ Chảy mũi và khịt khạc kéo dài

+ Ngửi kém từng lúc, tăng dần hoặc mất ngửi hoàn toàn.

+ Nuốt vướng, ngủ ngáy, ù tai, nghe kém, đau tai…

  1. Cách vệ sinh mũi

Nhỏ thuốc vào mũi là phương pháp dễ thực hiện nhất và thông dụng nhất để trị các bệnh ở mũi. Nếu nhỏ đúng cách thuốc phát huy hiệu quả chữa bệnh tốt. Thế nhưng trong thực tế không phải ai cũng biết cách nhỏ đúng.

Hiện các thuốc điều trị các bệnh ở mũi phổ biến nhất là các thuốc co mạch (naphazolin, xylometazolin, ephedrine) dùng khi mũi bị viêm, ngạt. Thuốc có tác dụng làm co mạch để tạo sự thông thoáng cho đường thở; Các thuốc có tác dụng sát khuẩn (nước muối sinh lý 0,9%, argyrol) dùng để rửa mũi, sát khuẩn mũi và thuốc kháng viêm (kháng sinh, corticoid) dùng khi mũi bị viêm nhiễm (viêm xoang, viêm mũi)…

Bước 1: Xì mũi

Khi xì mũi không bịt chặt cả hai lỗ mũi rồi xì mạnh. Làm như vậy chỉ khiến các chất ứ đọng ở hốc mũi bị đẩy ngược vào xoang hay lỗ thông với họng. Để xì mũi đúng tránh gây tổn thương mũi, cần bịt từng bên mũi, xì hơi mạnh bên đối diện để chất ứ đọng chảy ra hết. Trong trường hợp bị tắc, ngạt mũi nhiều, hay bị chảy máu cam, cần nhỏ thuốc co mạch để thông một phần trước, tránh gây tổn thương, chảy máu mũi khi xì hoặc hút mũi.

Bước 2: Hút mũi

Ở trẻ nhỏ bị viêm xoang sau, mủ đặc dính khó xì nên rất cần được hút mũi. Cha mẹ không nên thực hiện hút mũi với trẻ nhỏ bằng miệng vì như vậy rất dễ mất vệ sinh và chỉ lấy được chất ở ngay cửa sau lỗ mũi.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dụng cụ hút mũi với đầu ống bằng nhựa lắp vừa lỗ mũi của trẻ, nối bởi bóng cao su. Khi thực hiện, lấy ngón tay bịt lỗ mũi bên đối diện, bóp bóng cho khí ra hết, lắp đầu hút khí chặt lỗ mũi rồi bỏ bóng ra để hút dịch mũi xoang vào, nên làm mỗi bên vài lần để sạch hết chất bẩn.

Bước 3: Nhỏ mũi

 Khi nhỏ mũi, người bệnh nên nằm ngửa, hoặc ngồi ngửa để thuốc vào được trong hốc mũi, hướng đầu ống nhỏ ra phía ngoài cánh mũi, lên trên, sâu độ 1cm với người lớn. Sau đó, nhỏ từng giọt, không nên quá 5 giọt. Sau khi nhỏ, bạn lấy tay day nhẹ trên cánh mũi để thuốc được vào sâu hơn.

Bệnh nhân viêm xoang sau nên nằm xuống khi nhỏ thuốc, đầu rời khỏi thành giường, ngửa tối đa để hướng hẳn lỗ mũi lên trên. Khi nhỏ thuốc vào thấy cay ở trán, gáy là thuốc vào được xoang. Sau khi nhỏ mũi, không nên đứng lên, đi lại, hoạt động ngay, cần ngồi hoặc nằm im vài phút để thuốc vào được cả xoang.

Việc chọn thuốc nhỏ mũi cũng là vấn đề quan trọng với bệnh nhân viêm xoang. Hiện nay, tuy thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mũi nhưng cơ bản thuốc nhỏ mũi đều nhằm co mạch, tạo sự thông thoáng, thở thông và dẫn lưu tốt. Các thuốc co mạch thường dùng có các loại thuốc riêng dành cho trẻ nhỏ và cho người lớn. Cũng có loại là chống viêm tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc chống viêm cũng dễ gây ra nhiễm nấm xoang và các biến chứng khác.

Tuy nhiên không nên tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi mà người bệnh nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chi tiết về cách nhỏ thuốc cũng như các loại thuốc nên sử dụng./.

Tin &bài: BS Nguyễn Văn Quyết

Chia sẻ :

Bài viết liên quan