Đặt ống thông khí (OTK) màng nhĩ là một phẫu thuật can thiệp trên màng nhĩ đảm bảo sự thông khí và dẫn lưu dịch trong hòm nhĩ trong trường hợp có hiện tượng rối loạn chức năng vòi nhĩ. Phẫu thuật này chỉ được coi là giải pháp tạm thời giúp cải thiện nhanh các triệu chứng quan trọng nhất là cải thiện sức nghe, giúp theo dõi quá trình điều trị. Phương pháp này cần phối hợp với các biện pháp điều trị nguyên nhân.
Theo sơ đồ sau: trong trường hợp A, dịch không ra ngoài được do áp lực âm trong bình ngày càng tăng. Nếu tạo 1 lỗ thủng trên bình, dịch có thể dẫn lưu ra ngoài (trường hợp B). Tương tự trên lâm sàng là việc thủng màng nhĩ, chích rạch, đặt OTK giúp cho dẫn lưu dịch vào vòm mũi họng tốt hơn, ngay cả khi có sự giảm, tê liệt của hệ thống lông chuyển.
- Viêm tai giữa tiết dịch dai dẳng.
- Viêm tai giữa tiết dịch không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 3 tháng điều trị.
- Tồn tại dịch trong tai giữa dai dẳng trên 3 tháng sau mỗi đợt viêm tai.
- Có trên 7 đợt viêm tai giữa trong 6 tháng.
- Sức nghe 2 tai đều giảm trên 25 dB.
- Màng nhĩ dày, đục, kém sáng hoặc co lõm… kéo dài.
Ống thông khí được chia làm 2 loại chính:
- Loại ngắn hạn (Grommet): thường lưu lại trên màng nhĩ trong thời gian ngắn dưới 1 năm, với ống có đường kính 0,76mm và 1,14mm dùng cho trẻ dưới 12 tuổi, ống có đường kính 1,27mm dùng cho trẻ trên 12 tuổi và người lớn.
- Loại dài hạn: có thể lưu lại lâu hơn khoảng 2-3 năm, thường sử dụng loại chữ T.
4.1. Dụng cụ:
- Máy nội soi tai mũi họng, ống nội soi 0º( đường kính 2.7mm dành cho trẻ em, đường kính 4mm dành cho người lớn) hoặc kính hiển vi (KHV) phẫu thuật Carl Zeiss.
- Một pince vi phẫu thẳng, một que nhọn vi phẫu, một dao chích màng nhĩ, một bộ ống hút vi phẫu, ống thông khí màng nhĩ.
4.2. Vô cảm: gây mê với trẻ nhỏ (trẻ dưới 7 tuổi), gây tê tại chỗ với trẻ lớn (hợp tác với phẫu thuật viên), người lớn.
4.3. Kỹ thuật:
- Đặt ống nội soi vào ống tai hoặc chỉnh kính hiển vi sao cho màng nhĩ nằm đúng hướng và chính giữa trên màn hình
- Sát khuẩn ống tai ngoài bằng betadin 10% và bơm rửa sạch ống tai bằng nước muối sinh lý
- Gây tê tại chỗ (trẻ lớn, người lớn).
+ Di chuyển đầu mũi kim tiêm chính giữa ống tai, sau đó đưa mũi kim tiến dần đến sàn ống tai.
+ Cắm kim tiêm qua da, mũi kim chạm xương, đưa hết mặt vát mũi kim qua da.
+ Bơm thuốc gây tê thật chậm sao cho da sàn ống tai đến sát bờ màng nhĩ chuyển sang màu trắng nhưng không được phồng rộp.
+ Rút kim tiêm, nếu lỗ kim rỉ máu có thể đặt cục bông tẩm adrenalin trong vài phút.
+ Dùng dao lưỡi liềm nhỏ mở 1 lỗ ở góc trước dưới màng nhĩ, kích thước của lỗ mở bằng đường kính trong của OTK.
+ Dùng ống hút hút một phần dịch trong hòm nhĩ, tránh hút quá nhiều gây chóng mặt.
+ Dùng kẹp vi phẫu kẹp dọc ống thông khí đưa vào sát lỗ mở màng nhĩ, lùa OTK qua lỗ chích theo kiểu cài khuy áo.
+ Dùng que nhọn đẩy OTK qua lỗ mở màng nhĩ.
+ Đặt bấc ống tai tẩm betadin 10%.
- Trong khi phẫu thuật:
+ Chảy máu, sưng nề ống tai không thể quan sát được màng nhĩ rõ ràng, việc đặt OTK thất bại. Ngừng phẫu thuật, tiến hành cầm máu, đặt bấc tẩm Povidol 10% ống tai ngoài, kháng sinh, chống viêm.
+ Tổn thương trật khớp xương con gây nên điếc và chảy máu. Tiến hành phẫu thuật chỉnh hình chuỗi xương con.
+ OTK tụt vào trong hòm nhĩ có thể do động tác quá mạnh hoặc chích rạch quá rộng. Tiến hành lấy OTK ra khỏi hòm nhĩ, hút dịch trong hòm nhĩ qua lỗ rạch màng nhĩ, làm thuốc tai, kháng sinh, chống viêm.
+ Chảy dịch tai: là biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật đặt OTK qua màng nhĩ. Chảy dịch tai thường đi kèm các đợt viêm mũi họng tái phát, dịch chảy qua OTK ra ống tai ngoài có thể dễ dàng phát hiện trên nội soi. Làm thuốc tai kết hợp với điều trị viêm mũi họng (nếu có viêm mũi họng).
+ Ống thông khí đẩy ra sớm: là những trường hợp OTK bị đẩy ra trước 6 tháng sau khi đặt mà chức năng vòi nhĩ chưa trở lại bình thường. Dẫn tới viêm tai giữa ứ dịch tái phát với màng nhĩ có bóng hơi hoặc màu vàng mật ong, một số trường hợp gây xẹp nhĩ, viêm tai giữa cấp tính, thậm chí biến chứng viêm xương chũm cấp tính. Tiến hành đặt lại OTK màng nhĩ.
+ Tắc ống thông khí: do dịch quánh khô, máu khô, ráy tai, tổ chức hạt hoặc phù nề thành ống tai. Với các biểu hiện lỗ OTK bị bít, màng nhĩ ứ dịch trở lại. Tiến hành lấy dị vật làm bít tắc ống thông khí, làm thuốc tai hàng ngày đến khi OTK thông thoáng, không bị bít tắc.
+ Điếc tiếp nhận: hiếm gặp.
+ Hình thành cholesteatome: có thể do mép biểu bì màng nhĩ bị cuộn vào trong hòm nhĩ qua lỗ chích màng nhĩ khi gài ống thông khí hoặc do sự xâm nhập của biểu bì vào hòm nhĩ qua mép lỗ thủng màng nhĩ sau khi OTK bị đẩy ra ngoài. Quan sát thấy khối màu trắng sữa nằm trong hòm nhĩ tại vị trí OTK. Cần phẫu thuật lấy bỏ khối cholesteatome sớm.
+ Thủng màng nhĩ: ít gặp, tỷ lệ khoảng 0,5 - 1%. Tỷ lệ này tăng lên đến 40% ở những trường hợp sử dụng loại T- tube có thời gian lưu trên màng nhĩ lâu hơn. Thực hiện phẫu thuật vá nhĩ đơn thuần nếu chức năng tai giữa bình thường.
+ Xơ sẹo màng nhĩ: tại vị trí đặt ống thông khí hoặc có thể tại những vị trí khác của màng nhĩ hình thành mảng vôi hóa trắng; thường ít ảnh hưởng đến thính lực.
Sau đặt OTK màng nhĩ do quá trình viêm trong tai giữa chưa khỏi nên dịch có thể tiếp tục xảy ra. Vì vậy bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để chăm sóc tiếp 1 đến 3 ngày.
Sau đó bệnh nhân định kỳ 1-2 tháng đến kiểm tra một lần tùy thuộc vào tình trạng của tai và mũi xoang. Nhằm đánh giá tình trạng OTK còn trên màng nhĩ, tụt ra ngoài hay vào trong hòm tai, OTK bị tắc hay có dịch chảy ra không.
Từ tháng thứ 6 trở đi bác sĩ khám và đánh giá tình trạng của tai và mũi xoang, nếu cả hai cùng tốt sẽ tiến hành rút OTK.
BS: Nguyễn Văn Quyết