Hơn 20 năm đi “đãi cát tìm vàng”

Gặp Đại tá, BSCK II Vũ Quốc Chiến sau gần một tháng thực hiện nhiệm vụ khám tuyển phi công ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, anh phấn khởi khoe: “Chuyến đi khá vất vả, phải cơ động qua nhiều tỉnh đường đi lối lại khó khăn nhưng bù lại tôi “đãi” được hàng chục “cục vàng”!

Mọi người vẫn thường hay ví von một cách hình tượng rằng, đào tạo được một phi công quân sự cân nặng bao nhiêu là bấy nhiêu cân vàng. Nhưng để có được những “cục vàng” đưa vào “lò luyện lửa”, công việc trước tiên thuộc về người bác sĩ quân y làm nhiệm vụ khám tuyển. Trong hành trình hơn 20 năm gắn bó với ngành YHHK, bác sĩ Vũ Quốc Chiến cùng đoàn công tác của đơn vị đã đi khắp đất nước để “đãi cát tìm vàng” lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn sức khỏe để đào tạo phi công quân sự.

Người góp phần tìm kiếm “vàng mười” cho lực lượng không quân
Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Quốc Chiến giới thiệu thiết bị nghiên cứu thành công ứng dụng trong khám nhãn khoa.

Đảm nhiệm chuyên ngành nhãn khoa, bác sĩ Chiến luôn tuân thủ đúng điều lệ khám tuyển, bảo đảm các tiêu chí của người lái máy bay quân sự. Trong huấn luyện bay, nhiều khoa mục phức tạp, phi công hoạt động trong không gian 3 chiều, điều kiện ánh sáng thay đổi liên tục nếu chức năng thị giác không tốt sẽ không thực hiện được các bài bay. Do vậy, đối tượng tham gia khám tuyển về mắt phải có thị lực tốt nhìn 10/10, sắc giác chuẩn (cảm giác về màu sắc đúng), điều tiết nhìn xa-gần linh hoạt, vận nhãn nhanh nhạy (nhìn thẳng và liếc 8 hướng tốt). Mắt phải thích ứng với mọi điều kiện không gian, thời gian khác nhau để có thể tham gia những nội dung bay phức tạp, như: Nhào lộn, xuyên mây, bay đêm, bay biển...

Quá trình đi khám tuyển, bác sĩ Chiến sử dụng những thiết bị cơ động của viện để kiểm tra các chức năng của người đến đăng ký. Bên cạnh đó, anh còn kết hợp với kinh nghiệm cá nhân, nhãn quan nghề nghiệp để phát hiện những thanh niên có tố chất, đủ điều kiện đào tạo thành phi công quân sự. Anh kể, năm 2002, đơn vị tổ chức khám tuyển phi công tại huyện Yên Mô (Ninh Bình). Cuối đợt, một thanh niên chân đi dép tổ ong rách đến xin đăng ký khám tuyển. Kiểm tra các tiêu chí và nhìn ngoại hình, phong thái, bác sĩ Chiến cảm nhận người này có thể trở thành phi công quân sự. Hỏi thêm, anh biết do gia đình khó khăn nên chàng thanh niên phải đi đào cống thuê kiếm tiền nuôi em, biết có đoàn khám tuyển phi công nhưng ngập ngừng mãi sau hai ngày mới dám vào đăng ký. Thấy được nghị lực và ước mơ của thanh niên Hà Đăng Lượng, mặc dù khi đó quân số tuyển đã đủ nhưng bác sĩ Chiến vẫn đề nghị hội đồng khám tuyển bổ sung. Tiếp tục vượt qua những thử thách, Lượng thi đỗ vào Trường Sĩ quan Không quân.

10 năm sau (năm 2012) trong chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” phát trên  Đài Truyền hình Việt Nam, bác sĩ Chiến xúc động gặp lại người thanh niên có hoàn cảnh khó khăn Hà Đăng Lượng. Lúc nay, Lượng là Biên đội trưởng lái máy bay Su-27 của Trung đoàn 940 (nay là Trung đoàn 925, Sư đoàn 372, Quân chủng PK-KQ). Anh ôm bờ vai của Lượng nói rằng: “Chú biết con sẽ trở thành một phi công giỏi ngay từ ngày đầu mới gặp. Ở con có nhiều tố chất bay tốt. Hãy cố gắng phát huy nhé”. Đáp lại tình cảm đó, phi công Hà Đăng Lượng nói: “Chú hãy tin ở con”.

Trong những chặng đường đến các địa phương, bác sĩ Chiến không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà còn kết hợp làm công tác dân vận. Qua những dịp tiếp xúc với bà con, Đại tá Vũ Quốc Chiến có cơ hội hiểu thêm về nhiều cảnh đời số phận. Cũng chính từ đây người bác sĩ quân y đã thắp sáng niềm hy vọng đổi thay cho nhiều gia đình. Hoàn cảnh của ông bố nông dân nghèo Nguyễn Vũ Hà ở xã Hải Cường (Hải Hậu, Nam Định) là câu chuyện xúc động. Nhà ông Hà nghèo đến nỗi đêm mở cửa cũng chẳng kẻ nào vào lấy trộm, nhưng ông có ước mơ thật đẹp là mong con được bay trên bầu trời. Biết chuyện, bác sĩ Chiến đến động viên để ông đưa con đi khám tuyển. Thế là hai lần về đây, hai anh em Nguyễn Vũ Chính và Nguyễn Vũ Nhuận lần lượt đi khám tuyển, đã vượt qua những chặng đường thử thách gian nan để trở thành phi công Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hằng năm bác sĩ Chiến cùng đoàn công đi giám định sức khỏe phi công. Có những đợt kéo dài 56 ngày đêm ròng rã ở các sân bay quân sự trong nước. Khám tuyển và giám định là những nhiệm vụ có tính chất đặc thù, công tác trong điều kiện xa đơn vị, cơ động ở nhiều địa bàn khác nhau chính vì vậy đòi hỏi người bác sĩ không chỉ nắm vững trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà cần phải có bản lĩnh, lương tâm và trách nhiệm. Bác sĩ Vũ Quốc Chiến tâm sự: “Khi khám tuyển, giám định thực hiện theo đúng nguyên tắc nhưng mình không phải là cái máy làm việc dập khuôn cứng nhắc. Khi tiếp xúc với mỗi con người tự mình phải cân nhắc để có những lựa chọn đúng đắn nhất. Nếu chiếu cố bỏ qua các tiêu chuẩn sau này xảy ra sự cố gì thì sẽ để lại hậu quả khó lường, nhưng nếu khắt khe quá bỏ mất một trường hợp nào sẽ làm lãng phí nguồn lực cho lực lượng không quân”. 

Suốt chặng đường “đãi cát tìm vàng” của mình, người bác sĩ tận tâm Vũ Quốc Chiến thấy mình thật may mắn và có nhiều “lộc” khi tìm được nhiều “vàng mười” cho Tổ quốc. Anh trân quý những người phi công do bản thân lựa chọn coi như con của mình. Đáp lại tình cảm đó, nhiều phi công cũng coi bác sĩ Chiến là người cha thân yêu đã thắp sáng ước mơ bay.

Say mê nghiên cứu khoa học ứng dụng vào y học hàng không

Cùng với nhiệm vụ khám tuyển, giám định phi công, Đại tá Vũ Quốc Chiến còn là người say mê nghiên cứu khoa học (NCKH). Anh luôn cho rằng NCKH là quá trình tìm tòi và khám phá nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đó không chỉ là niềm đam mê, tâm huyết mà còn là trách nhiệm đối với công việc đang thực hiện. Với chuyên ngành nhãn khoa nếu không có thiết bị tương tự phải nhập ngoại chi phí rất tốn kém. Do vậy, anh có nhiều ý tưởng nghiên cứu nhằm tìm ra những thiết bị thay thế.

“Bảng thị lực đa năng cơ động sử dụng đèn LED chiếu sáng CVQ-18” là một trong những công trình nghiên cứu thành công của anh. Thiết bị này được áp dụng trong khám thị lực có quy đổi đơn vị đo theo yêu cầu nhiệm vụ trong khám tuyển, giám định sức khỏe phi công; khám, chữa bệnh cho các đối tượng trong và ngoài quân đội. Trước đó, anh có sáng kiến khoa học “Thiết kế va li khám mắt cơ động CHK-01”. Sáng kiến này nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ động khám tuyển phi công tại tỉnh Nam Định. Năm 2012, khi đang tổ chức khám tuyển phi công tại Nam Định thì bão số 8 đổ bộ vào đất liền gây mất điện khiến công việc bị gián đoạn do không vận hành được các thiết bị. Từ thực tế đó, anh nghiên cứu ra thiết bị có thể chạy bằng ắc quy bảo đảm cho nhiệm vụ cơ động ở những nơi không có nguồn điện. Sau khi nghiên cứu thành công, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành, Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) sản xuất hàng loạt. Tiếp sau đó, anh lại có sáng kiến “Thiết kế bảng thị lực nhìn gần sử dụng LED chiếu sáng CTL-18”. Từ cuối năm 2018, thiết bị này được sử dụng tại các bệnh viện mắt và cơ sở nhãn khoa trên toàn quốc.

Những thành công trên tạo động lực mạnh mẽ để anh tiếp tục phát minh sáng chế ra nhiều thiết bị hữu ích khác. Hiện tại, bác sĩ Chiến không chỉ là chủ nhiệm một số đề tài NCKH cấp cơ sở, mà còn tham gia nghiên cứu một số đề tài khoa học trong và ngoài nước. Trong đó, đề tài cấp Bộ Quốc phòng: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo tổ hợp thiết bị kiểm tra, đánh giá chức năng tâm sinh lý của học viên và phi công quân sự trong điều kiện mô phỏng hoạt động bay Model CVQ-20” được Hội đồng khoa học Quân chủng PK-KQ đánh giá và gửi cấp Bộ Quốc phòng chờ triển khai.

Đại tá, TS Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Viện Y học PK-KQ khẳng định: “Với tinh thần trách nhiệm cao, bác sĩ Vũ Quốc Chiến có nhiều đóng góp trong quá trình khám tuyển, giám định sức khỏe phi công; tích cực làm công tác khám, chữa bệnh chuyên ngành nhãn khoa. Anh còn miệt mài say mê NCKH có nhiều ý tưởng, sản phẩm sáng kiến đóng góp vào sự phát triển của ngành YHHK. Với những kinh nghiệm tích lũy được, bác sĩ Chiến sẵn sàng chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng, khơi dậy khả năng sáng tạo của đồng nghiệp. Suốt chặng đường công tác, anh là một bác sĩ gương mẫu trong gìn giữ y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội PK-KQ”.

 

Bài và ảnh: VŨ DUY - QĐND Online