Số lượng bệnh nhân nhiều, cường độ công việc cao đã tạo áp lực rất lớn đối với đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng trong bệnh viện dã chiến. Thế nhưng vượt qua mọi khó khăn, anh cùng đồng đội quyết tâm chiến đấu với “giặc” Covid-19 để đem lại sức khỏe, bình yên cho đồng bào. Thượng úy QNCN Bùi Võ Hiệu đã có những dòng nhật ký, chia sẻ tâm sự về khoảng thời gian ở tuyến đầu chống dịch:
“Đêm 18-5, Viện y học Phòng không-Không quân nhận công văn hỏa tốc tăng cường lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại Bắc Giang. Mệnh lệnh được truyền đi ngay trong đêm. Tiếng chuông điện thoại reo vang, tôi nhanh chóng cùng các đồng chí trong kíp trực phòng, chống dịch Covid-19 có mặt nhận nhiệm vụ. Mệnh lệnh khẩn trương nhưng chúng tôi không bất ngờ bởi vì bệnh viện đã có kế hoạch phân công cắt cử từng kíp từ trước. Quân tư trang cá nhân lúc nào cũng sắp sẵn trong ba lô chỉ đợi lệnh là lên đường. Ngay sau khi nhận lệnh, các lực lượng bảo đảm hối hả vận chuyển trang bị y tế, vật chất quân y lên xe của Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) chạy trước. Kíp của tôi gồm 5 đồng chí (2 bác sĩ, 3 điều dưỡng) cơ động sang Học viện Quân y tập trung sau đó di chuyển lên Bắc Giang.
Thượng úy QNCN Bùi Võ Hiệu chuẩn bị dụng cụ y tế chăm sóc bệnh nhân. |
Tôi được điều về Khoa Ngoại tổng hợp gây mê thuộc Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 được triển khai tại Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang). Doanh trại đơn vị có khu nhà hai tầng và hội trường lớn được lắp đặt các trang thiết bị y tế phục vụ quá trình thu dung điều trị cho các ca F0. Mới đầu, một khu nhà 2 tầng dành riêng cho các y, bác sĩ nghỉ ngơi tại Trung đoàn 831. Vì thế việc điều trị, chăm sóc thuận tiện hơn do không mất nhiều thời gian cơ động. Thế nhưng sau đó số lượng ca mắc Covid-19 tăng lên, chúng tôi nhường doanh trại làm nơi điều trị. Nơi nghỉ được chuyển về Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang. Nhiệm vụ vất vả hơn, quãng đường di chuyển xa hơn nhưng chúng tôi không nề hà. Nhận định tình hình qua số ca nhiễm, chúng tôi biết phía trước còn nhiều khó khăn, thế nên anh em động viên nhau mỗi ngày cố gắng thêm một ít.
Ở nơi điều trị, tôi đảm nhiệm chăm sóc bệnh nhân đã ổn định về sức khỏe. Hằng ngày giúp đỡ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh, kiểm tra thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm. Do đặc thù bệnh truyền nhiễm nên bệnh nhân không có người thân chăm sóc mà phải tự phục vụ hoặc có điều dưỡng giúp đỡ. Khu điều trị được cách ly hoàn toàn, có camera giám sát và phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt không để xảy ra lây nhiễm chéo. Thế nên, tôi và các đồng nghiệp phải mặc đồ bảo hộ trong suốt ca trực, không được ăn, uống hay tự ý cởi ra. Mọi nhu cầu giải quyết cá nhân đều phải nín nhịn về khu nhà nghỉ. Thực tình khi bước vào ca trực, đồng chí nào cũng nêu cao ý thức trong đảm bảo an toàn, tận tâm vì người bệnh nên những vấn đề liên quan đến bản thân dường như cũng quên đi. Vất vả nhất đợt dịch này bùng phát giữa mùa hè nắng nóng. Áo bảo hộ mặc vào là mồ hôi túa ra chảy thành dòng, hơi thở phập phồng làm mờ kính chắn. Chân đi ủng ướt sũng nước, các ngón tay dấp dính mồ hôi nhăn nheo. Sau ca trực, chúng tôi về thay đồ bảo hộ phải rất cẩn trọng, thực hiện đúng quy tắc bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như đồng đội xung quanh vì bề mặt ngoài đã tiếp xúc với người bệnh, chỉ cần sơ sểnh một chút là có thể bị lây nhiễm chéo.
Dù vất vả nhưng đồng chí nào cũng coi đó là khó khăn chung nên động viên nhau cùng cố gắng chăm sóc tốt bệnh nhân. Các trường hợp nhiễm Covid-19 cũng đa dạng đủ các lứa tuổi. Có bà cụ đã ngoài tám mươi, có cháu bé chưa đầy hai mươi tháng tuổi. Ở khoa điều trị có 3 cặp cả mẹ và con đều lây nhiễm qua tiếp xúc gần. Thương nhất là những cháu nhỏ chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng đã phải theo mẹ vào viện. Đã vậy điều kiện trong nơi điều trị có các quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Mọi sinh hoạt không thể thoải mái như ở nhà nên các bé quấy khóc, sợ sệt. Nhìn cảnh đó, chúng tôi rất thương, vừa điều trị vừa dỗ dành vỗ về các bé. Những ca vào viện đa phần là công nhân, người lao động hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Ngoài chữa trị, động viên tinh thần, chúng tôi cũng san sẻ những phần quà nhỏ do các đoàn thể địa phương tặng lực lượng quân y. Chỉ là những gói mỳ, thùng nước, túi hoa quả cùng lời thăm hỏi ân cần nhưng phần nào giúp người bệnh yên tâm chữa trị.
Thượng úy QNCN Bùi Võ Hiệu (thứ nhất bên trái) cùng đồng nghiệp sau ca trực về khu nhà nghỉ. |
Sau ca trực chúng tôi trở về nơi nghỉ. Mọi sinh hoạt trong khu cách ly cũng tối giản phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch. Những lúc nghỉ ngơi, tôi thường tranh thủ gọi điện về hỏi thăm gia đình. Bố mẹ tôi năm nay đã hơn 80 tuổi. Lo nhất là mẹ bị hẹp động mạch vành tim phải đặt stent, sức khỏe thay đổi thất thường theo thời tiết. Tôi phải dặn dò cẩn thận việc thuốc thang, ăn uống. Biết tôi đang thực hiện ở vùng tâm dịch, bố mẹ chỉ nhắn nhủ “Cố gắng giữ gìn sức khỏe, chăm sóc bệnh nhân tốt, bảo đảm an toàn”. Ở nhà hai con Bùi Tiến Dũng (lớp 7) và Bùi Khánh Linh (lớp 4) cũng biết bảo ban nhau làm việc nhà và giúp đỡ ông bà. Đi làm từ sớm, vợ tôi chuẩn bị trước bữa trưa cho các thành viên trong gia đình. Tối về lại lo dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn cho ngày hôm sau. Xong hết mọi công việc, vợ chồng mới gọi điện cho nhau san sẻ mọi nỗi niềm. Hơn chục năm về chung mái nhà, vợ cũng thấu hiểu điều kiện công tác của tôi, cố gắng chu toàn việc nhà, chăm sóc bố mẹ và các con. Vợ tôi còn gửi lời động viên của con gái. Đó là một bức thư với những nét chữ mộc mạc có chỗ loang mực vì nước mắt con gái nhỏ xuống khi nghĩ thương bố: “Con: Khánh Linh. Gửi bố yêu dấu. Con biết bố không về chúc mừng sinh nhật mẹ, bố rất buồn. Nhưng con biết ở đấy bố rất vui vì ở nhà chúng con đã tổ chức lần sinh nhật thứ 42 cho mẹ thay bố. Ở đấy bố có ăn đầy đủ chất không? Thiếu bố con buồn lắm, gia đình mình thay đổi rất nhiều. Con chỉ mong ở đấy bố ăn uống đầy đủ thôi. Bố mau mau hoàn thành tốt nhiệm vụ rồi về với chúng con và mẹ. Con rất nhớ bố. Con chỉ mong bố mau mau về thôi. Con biết ở đấy bố cũng muốn về đúng không? Con yêu bố rất nhiều. Ở bên cạnh bố luôn luôn có gia đình! Con: Khánh Linh”. Đọc những lời chúc của con gái, tôi rất cảm động khi biết rằng người thân, gia đình vẫn luôn hướng về mình, tiếp thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, những ngày ở bệnh viện dã chiến, chúng tôi thường xuyên nhận được những lời thăm hỏi động viên của lãnh đạo viện, khoa, đồng nghiệp ở dưới Hà Nội. Ngoài ra, các đoàn thể địa phương cũng ủng hộ giúp đỡ nhiệt tình. Tất cả đã tiếp thêm động lực để chúng tôi vững tin thực hiện nhiệm vụ. Ở nơi tuyến đầu, tôi cùng đồng đội vẫn luôn sát cánh bên nhau quyết tâm chiến thắng đại dịch để sớm về đoàn tụ với gia đình, để nhịp sống trở lại bình thường”.
Thượng úy QNCN BÙI VÕ HIỆU, Điều dưỡng Khoa Mắt-Răng hàm mặt, Viện y học Phòng không-Không quân