Bắc Giang, ngày 21-6-2021,

Vì nhận nhiệm vụ gấp, mình chỉ kịp nói với vợ: Anh sẽ đi công tác tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ít ngày. Vội vàng chuẩn bị một số tư trang cá nhân cần thiết, mình cơ động vào viện ngay. Ngay trong đêm 18-5, mình và 4 đồng chí nữa được Ban giám đốc Viện Y học Phòng không-Không quân (PK-KQ) giao nhiệm vụ thành lập Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng, hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất theo hướng dẫn của Cục Quân y, để rồi rạng sáng 19-5 khẩn cấp lên Bắc Giang làm nhiệm vụ tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19. Đến Bắc Giang, mình gọi điện cho vợ, căn dặn những công việc ở nhà và cũng không quên động viên vợ. Người ở nhà nhiều nỗi lo lắm. Mà năm nay, con gái thi chuyển cấp, bố đi vắng, ở nhà mọi gánh nặng lại dồn lên vai mẹ.

Chúng mình sẽ tiếp tục căng sức
Học viên Trường sĩ quan Chính trị giúp triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1. Ảnh minh họa: Cương Đạt/qdnd.vn

Lần đầu tiên làm nhiệm vụ đặc biệt như thế này, mình có chút bỡ ngỡ và lo lắng. Tuy vậy, khi chứng kiến sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt, anh em đồng đội luôn thể hiện khí thế, tự nhiên mình thấy vững tin. Những ngày đầu, bên cạnh việc triển khai bệnh viện dã chiến, sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19, mình cùng các chiến binh áo trắng lại tranh thủ thời gian tự nghiên cứu, trau dồi thêm kiến thức kinh nghiệm về phòng, chống dịch, thực hành các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn... Theo sự phân công kiện toàn của bệnh viện, anh em Viện Y học PK-KQ chúng mình được tăng cường vào khoa hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng và khoa bệnh nhân ổn định.

Do số lượng bệnh nhân đông, lực lượng y, bác sĩ lại mỏng nên để bảo đảm trực 24/24 giờ, các khoa chủ động cắt lịch 3giờ/1 kíp trực. Thời tiết nắng nóng, oi bức, có hôm lên đến hơn 40oC, phải mặc trang phục phòng hộ cá nhân trong khu điều trị đúng là một cực hình. Kết thúc ca trực, lúc cởi trang phục phòng hộ ra, tay chân ai cũng nhợt nhạt, quần áo ướt sũng mồ hôi, cảm giác khát, uống nước như chưa bao giờ được uống vậy.

Nhóm bệnh nhân Covid-19 vào điều trị ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng rất đa dạng. Có em bé chưa đầy một tuổi, có cụ gần 90 tuổi, rồi có cả bệnh nhân là phụ nữ có thai. Ở trong bệnh viện chỉ có bác sĩ và bệnh nhân, nhiều bệnh nhân xa nhà lâu, tâm lý bất ổn. Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng bệnh nhân, cũng như trao đổi về tình hình bệnh tật, các khoa điều trị có lập group bệnh nhân trên zalo. Mình thấy việc này rất tốt, vì giúp y, bác sĩ và bệnh nhân gần gũi nhau hơn, cảm thông cho nhau nhiều hơn. Ngày 1-6, các y, bác sĩ tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các bệnh nhi. Nhìn thấy sự hồn nhiên của bệnh nhi, ai cũng thấy thương các cháu, từ đó có thêm động lực, nêu cao trách nhiệm, nỗ lực hết mình điều trị cho các bệnh nhi cũng như các bệnh nhân Covid-19 khác sớm khỏi bệnh.

Mấy ngày nay, biết tin có một số đồng nghiệp bị lây nhiễm SARS-Cov-2, anh em bác sĩ chúng mình luôn động viên nhau cần chú ý hơn trong tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Mình hiểu, vào tâm dịch ai cũng vất vả. Tất cả hệ thống chính trị đang dồn sức dập dịch, mình là người lính có lệnh là đi và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà tổ chức phân công. Mỗi khi thấy những bệnh nhân được trao giấy chứng nhận ra viện, trong lòng mình vui sướng lắm, vì càng nhiều bệnh nhân được trao giấy này thì ngày được về nhà của chúng mình càng gần thêm. Thế nhưng, mình biết cuộc chiến với Covid-19 có thể còn kéo dài và chúng mình sẽ tiếp tục căng sức "chiến đấu".

Thượng tá NGUYỄN THANH TÙNG

(Phó chủ nhiệm Khoa ngoại - Hồi sức cấp cứu, Viện Y học Phòng không - Không quân, Phó trưởng Khoa điều trị bệnh nhân ổn định, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng).